Các loại thép gân, thép cuộn xây dựng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này tác động ra sao đến các nhà sản xuất thép trong nước?
Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,9 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý là các loại thép từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng tới gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD, gấp 3 lần về lượng và 2,3 lần giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trái lại nhu cầu thị trường trong nước vẫn còn yếu, thép nhập khẩu đang tạo áp lực lên các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Theo báo cáo mới đây của VSA, lượng bán thép thành phẩm chỉ mới tăng 11% so với cùng kỳ lên 4,3 triệu tấn. Một phần do 2 tháng đầu năm chưa phải mùa cao điểm xây dựng.
Năng lực của các nhà máy sản xuất thép xanh cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo thống kê của VSA, năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Các doanh nghiệp trong nước sản xuất 27,7 triệu tấn. Mức tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn, trong đó có xuất khẩu đạt 8 triệu tấn. Do đó, việc thép nhập khẩu ngày càng tràn nhiều vào thị trường nội địa gây sức ép lớn cho các nhà máy thép trong nước. Trong khi đó giá nguyên vật liệu như thép phế [dùng sản xuất thép xanh], quặng sắt, than coke… đều giảm nhưng chi phí cao và nhu cầu thấp nên các nhà sản xuất phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.
Đầu tháng 3, với sự cạnh tranh gay gắt về thị phần, các nhà máy đã có các thông báo điều chỉnh giảm giá bán nhằm mở rộng hoặc giữ thị phần. Hiện nay các nhà máy trong nước phải đối mặt nhiều vấn đề khó khăn do giá tồn kho cao, giá bán thấp, và các chi phí tài chính. Đối với thép nhập khẩu, giá đã rẻ nay còn rẻ hơn khi giảm liên tiếp trong vài tháng qua.