Hàn Quốc cũng như nhiều quốc gia khác, đang chịu áp lực từ làn sóng xuất khẩu mạnh mẽ từ Trung Quốc. Một số ngành trọng điểm của nước này như sản xuất thép, dệt may, hóa dầu, mỹ phẩm đối mặt với các thách thức đáng kể giữa bối cảnh tình trạng dư thừa công suất và nhu cầu nội địa yếu của Trung Quốc lan rộng.
Những tổn thất đến từ làn sóng xuất siêu của Trung Quốc
Trước đây, Hàn Quốc được dự đoán sẽ hưởng lợi từ căng thẳng thương mại gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây. Các biện pháp thuế và hạn chế từ Mỹ và EU đối với Trung Quốc đã thúc đẩy người mua toàn cầu chuyển sang các ngành công nghệ bán dẫn và xe điện của Hàn Quốc. Xuất khẩu của Hàn Quốc đã tăng đều đặn kể từ tháng 10 năm ngoái, đặc biệt là trong lĩnh vực chip nhớ – một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng, lợi ích này chủ yếu đến từ nhu cầu tăng vọt về chip nhớ, trong khi các lĩnh vực khác, bao gồm sản xuất thép, đang mất dần thị phần vào tay các đối thủ Trung Quốc có chi phí sản xuất thấp hơn. Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Trung Quốc đang ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành công nghiệp khác, đặc biệt là thép cuộn, thép vằn xây dựng và phôi thép.
Theo ông Yeo Han-koo, cựu Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, vấn đề dư thừa công suất sản xuất thép của Trung Quốc không chỉ tác động đến các ngành công nghiệp xanh như xe điện, năng lượng mặt trời, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Khảo sát từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho thấy, 70% doanh nghiệp Hàn Quốc đã hoặc dự đoán tổn thất kinh doanh do cạnh tranh xuất khẩu từ Trung Quốc. Giá thép Trung Quốc hiện ở mức trung bình 863 USD/tấn, trong khi thép Hàn Quốc có giá cao hơn nhiều, ở mức 2.570 USD/tấn. Điều này khiến các nhà máy thép lớn của Hàn Quốc như Hyundai Steel, Posco và Dongkuk Steel gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận, với mức giảm lợi nhuận hoạt động quý II lần lượt là 78,9%, 50,3% và 23%.
Cạnh tranh từ Trung Quốc không chỉ làm suy giảm lợi nhuận của các công ty thép mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành khác như hóa dầu. Một số doanh nghiệp lớn đã buộc phải tạm ngừng sản xuất hoặc rút khỏi các dự án liên doanh.
Để ứng phó với tình hình, các chuyên gia khuyến nghị các công ty Hàn Quốc phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là trong lĩnh vực thép xây dựng và phôi thép, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, khảo sát của KCCI cho thấy niềm tin vào khả năng duy trì vị thế của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang giảm sút, với 73,3% các công ty dự đoán sẽ bị các đối thủ Trung Quốc vượt qua trong 5 năm tới.
Sự chuyển dịch này đòi hỏi các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ cải tiến công nghệ mà còn phải tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới ngoài các thị trường truyền thống để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.