Các biện pháp chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu

      Comments Off on Các biện pháp chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu

Bài viết mới

Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ngành sản xuất thép trở nên rõ ràng hơn, nhất là các mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Đây là bước đi cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước.

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại đối với ngành sản xuất thép đã diễn ra. Theo đó, ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1535/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cùng ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương cũng ra thông báo về việc đã tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng [HRC] từ Ấn Độ và Trung Quốc.

sản xuất thép

Cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ nền sản xuất trong nước

Trước đó, vào ngày 19/3/2024, Cục Phòng vệ thương mại [Cơ quan điều tra] đã tiếp nhận hồ sơ của các công ty là đại diện cho các nha may thep trong nước [Bên yêu cầu] – bao gồm Tập đoàn Hòa Phát [HPG] và Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng từ Ấn Độ và Trung Quốc.

Bộ Công Thương hiện tại đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội [AD01] và thép phủ màu [AD04] để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 05 năm nữa.

Ở chiều ngược lại, các sản phẩm thép Việt Nam cũng là mặt hàng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ rất nhiều quốc gia. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép cuộn, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc, Malaysia, Indonesia…

Tại Talkshow “Bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong thế gọng kìm” diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập [VCCI] cho biết, nếu chỉ tính trong nhóm WTO thì thép cũng là nhóm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều nhất. Theo WTO, từ năm 1995-2023, đã có 2.123 vụ kiện chỉ tính bán phá giá, chưa tính các vụ kiện phòng vệ thương mại khác như chống trợ cấp hay tự vệ. Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, từ năm 2019 đến nay, tổng số vụ việc chống bán phá giá đối với thép chiếm gần 49% số vụ việc cho cả 30 năm đó.

Riêng tại Việt Nam, đã có 12/28 vụ phòng vệ thương mại là đối với các sản phẩm thép [thép cuộn, thép gân…], chiếm khoảng 46% tổng các vụ phòng vệ thương mại đã từng tiến hành đối với tất cả các loại sản phẩm ở Việt Nam cho đến nay. Trong khi đó, các nước đã đưa ra 73 vụ phòng vệ thương mại với thép xuất khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy, các nước vận dụng rất nhiều các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường và của họ. Có những vụ việc như đối với cá basa hay tôm của Việt Nam, các nước đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hơn 20 năm.