Xu hướng “xanh hóa” tại các nhà máy sản xuất thép cần được đẩy mạnh để giảm bớt những tác động đến môi trường. Vậy hoạt động sản xuất thép ảnh hưởng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết bên dưới.
Các tác động môi trường từ sản xuất thép
Với không khí
Các công đoạn sản xuất thép như nấu chảy, luyện kim, tạo khuôn, tôi hóa, gia công… kết hợp với các nguyên liệu như quặng sắt, than Coke, thép phế liệu… được đốt cháy để tạo ra thép. Quá trình này phát sinh nhiều khí thải và bụi không chỉ ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp mà còn góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính; phản ứng với ánh sáng mặt trời tạo ra hiện tượng sương mù quang hóa; phá huỷ tầng ôzôn.
Nhà máy thép cần hành động vì môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
Với đất và nước
Bên cạnh khí thải, nhiều nhà máy thép còn tạo ra rất nhiều chất rắn và lỏng thải ra môi trường. Với 1 tấn thép xây dựng sẽ thải ra từ 0,5 đến 1 tấn xỉ, tuy có thể tái sử dụng để sản xuất xi măng hoặc vật liệu xây dựng khác nhưng nếu không được xử lý đúng cách dẫn đến gây ô nhiễm cho môi trường đất và nước.
Cụ thể, xỉ có hòa vào các dòng nước chảy ra sông, hồ, biển, khiến chất lượng nước giảm đi, tắc nghẽn các kênh thoát nước. Bên cạnh đó xỉ thép còn làm giảm khả năng thẩm thấu của đất, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong nước và trên bờ. Các chất lỏng thải khác ngoài xỉ thép như nước rửa, nước làm mát, nước ngưng tụ… có thể chứa trong đó các kim loại nặng gồm thủy ngân, chì, cadimi, kẽm, đồng… và các hợp chất hữu cơ như phenol, benzen, toluen… Đây là các chất độc hại cho con người khi sống gần khu vực sản xuất thép.
Với hệ sinh thái
Ngành công nghiệp thép cần sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, nếu khai thác quá đà có thể gây xói mòn đất, từ đó mất cân bằng hệ sinh thái, giảm đa dạng sinh học. Nước và điện năng được sử dụng rất nhiều có thể gây thiếu hụt về tài nguyên và năng lượng cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt khác, nhất là trong những thời điểm hạn hán, nắng nóng kéo dài làm thiếu hụt nước và điện.
Với những ảnh hưởng như trên, hiện nay nhiều nhà máy thép trong nước đã áp dụng công nghệ hiện đại, tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất thép được “xanh” hơn, góp phần bảo vệ môi trường sống của con người và phát triển nền công nghiệp thép bền vững.