Lượng thép nhập khẩu vẫn cao, doanh nghiệp nội gặp khó

      Comments Off on Lượng thép nhập khẩu vẫn cao, doanh nghiệp nội gặp khó

Bài viết mới

Các công ty thép hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do tình trạng cung vượt cầu, đặc biệt là sự gia tăng của các loại thép nhập khẩu khiến cho cuộc cạnh tranh về giá tại thị trường trong nước trở nên khốc liệt hơn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam [VSA], tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô [phôi vuông, phôi dẹt]. Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng [thép gân, thép cuộn], thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm nay có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA, cho biết hiện nay sản xuất thép đang ở tình trạng cung vượt cầu, cùng với đó là sự gia tăng nhập khẩu càng làm cho sự cạnh tranh về giá cả trong nước trở nên khốc liệt hơn. Đơn cử theo dữ liệu mới nhất từ cơ quan hải quan, tháng 4/2024, lượng thép cán nóng [HRC] nhập khẩu vào Việt Nam tiếp tục tăng cao, đạt mức 890.000 tấn, gấp 1,5 lần lượng sản xuất nội địa. Trong đó, thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 71%.

Thép nhập khẩu khiến các công ty thép trong nước gặp khó

Thép nhập khẩu tràn lan, nhu cầu nội địa còn thấp

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng thép cán nóng nhập khẩu về Việt Nam là 3,93 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 159% lượng sản xuất của toàn ngành sản xuất HRC trong nước. Lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 73% với 2,9 triệu tấn, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có lượng nhập khẩu HRC trong 1 năm lớn hơn lượng sản xuất trong nước.

Với lượng nhập khẩu như vậy, VSA cho biết sản xuất của hai tập đoàn thép cán nóng trong nước là Formosa và Hòa Phát đã sụt giảm, chỉ đạt 73% công suất thiết kế so với mức 86% của năm 2021 do phải cạnh tranh thiếu công bằng với hàng nhập khẩu bán dưới giá thành. Giá nhập khẩu hiện đã giảm mạnh từ 613 USD vào đầu năm 2023 xuống còn 541 USD vào cuối năm 2023.

Nhập khẩu tăng mạnh và giá bán thấp đã khiến thị phần bán hàng nội địa của hai nhà sản xuất thép cuộn trong nước giảm mạnh từ 45% của năm 2021 xuống còn 30% năm 2023. Dự kiến đà nhập khẩu năm nay tiếp tục tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tự chủ sản xuất thép chất lượng cao.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết trước đây Việt Nam không làm được thép cán nóng vì vốn đầu tư quá lớn và công nghệ yêu cầu rất cao, nhưng từ khi Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát đầu tư vào sản xuất mặt hàng này, tình hình đã thay đổi. 

“Khi chưa làm được thép cán nóng thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên, nhưng hiện nay chúng ta đã sản xuất được và sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên dòng hàng này vẫn tràn vào với số lượng lớn, đặc biệt thời gian gần đây có dấu hiệu bán dưới giá thành thì cần phải cân nhắc, bởi sẽ tác động lớn tới sản xuất trong nước, mất thị trường”, ông Phan Đăng Tuất nói.

Tình hình tiêu thụ thép tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức do sự cạnh tranh khốc liệt từ thép nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thép trong nước phải có những biện pháp thích ứng kịp thời để duy trì và phát triển thị trường nội địa.